Củng cố thế lực Gia_Long

Về nước

Miếu thờ Gia Long ở khu vực Nước Xoáy, nơi ông đóng quân sau khi về lại Nam Hà từ Xiêm La.

Sau 3 năm lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh thấy vua Xiêm Rama I ngày càng tỏ ra không vừa lòng vì lực lượng quân Nguyễn trở nên quá mạnh, ông viết thư cảm ơn rồi ban đêm lặng lẽ trở về vùng Gia Định.[108][109] Ngoài ra, cũng do khi này nội bộ Tây Sơn xảy ra tranh chấp giữa anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ khiến việc phòng bị ở Gia Định bị lỏng lẻo.

Theo John Crawfurd, vua Rama I chỉ giúp Nguyễn Ánh một ít quân, mà số quân Xiêm này lại tham tàn, gây hại cho đồng minh hơn là kẻ thù. Chưa kể, vua Xiêm đã lấy một người cháu gái của Nguyễn Ánh làm thiếp, nay lại muốn hoàng tử Cảnh làm phò mã nước Xiêm. Nguyễn Ánh khướt từ chuyện thông gia đó và lẻn bỏ về Phú Quốc trong đêm.[110] Người cháu gái của Nguyễn Ánh, làm thiếp vua Xiêm, là công nữ [Nguyễn Phúc] Ngọc Thông. Ngọc Thông là con gái Tôn Thất Xuân, trước theo Xuân trốn sang Xiêm, rồi Xuân bị vua Taksin giết; Ngọc Thông sau gả cho vua mới là Rama I.[111]

Tháng 7 âm lịch năm 1787, nhân lúc nửa đêm, Nguyễn Ánh cùng gia quyến lên thuyền bỏ về hòn Tre (Trúc Dữ). Sau đó Nguyễn Ánh đi sang đảo Cổ Cốt rồi cho mẹ và vợ con ở đảo Phú Quốc. Nguyễn Ánh đi tiếp và chiếm đất Long Xuyên (Cà Mau). Tháng 9, Nguyễn Ánh tiến đến cửa biển Cần Giờ.[98]

Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó với quân Thanh tại Bắc Hà (1788-1789), vùng Gia Định dưới quyền Tây Sơn cũng không ổn định, quân Tây Sơn bị cô lập trước dân chúng địa phương vốn có nhiều cảm tình với Chúa Nguyễn nói chung và Nguyễn Ánh nói riêng.[112] Tướng Tây Sơn giữ Long Xuyên là Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương hàng quân Nguyễn. Nguyễn Ánh đồng thời lại thu nhận được nhiều binh lính ở địa phương; sau đó ông bèn bắt đầu tổ chức tấn công Tây Sơn.[109]

Theo Tạ Chí Đại Trường thì Đông Định vương Nguyễn Lữ nghe tin Nguyễn Ánh trở về vội vã tránh đi nơi khác để Gia Định cho Phạm Văn Tham giữ.[113] Sau đó khi thấy thế quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, Nguyễn Lữ sợ hãi mang quân bản bộ rút chạy về Quy Nhơn. Theo Thực lục thì Nguyễn Lữ rút binh về Lạng Phụ (Biên Hòa) đắp lũy, Phạm Văn Tham ở lại giữ thành Sài Gòn, quân Nguyễn Ánh hạ thành không được. Nguyễn Ánh phải dùng kế ly gián Nguyễn Lữ và Phạm Văn Tham, Nguyễn Lữ mắc mưu rút về Quy Nhơn. Nguyễn Ánh đóng quân ở Hổ Châu (cù lao Hổ).[114]

Mặc dù sau đó Phạm Văn Tham đã nỗ lực chống trả nhưng vì không nhận được viện binh, lại trúng mưu Nguyễn Ánh ly gián với Nguyễn Lữ[109] và cuối cùng là cái chết vì bệnh của Nguyễn Lữ đã làm thế Tây Sơn ở Gia Định ngày càng yếu đi.[113] Phạm Văn Tham vẫn cố đơn độc chiến đấu, nhiều lần đánh lui quân Nguyễn, có lần đã buộc Nguyễn Ánh và thuộc hạ phải chạy tới tận Cù lao Hổ (Hổ Châu).[115] Tuy nhiên, ở sông Ba Việt, tướng Tây Sơn là Nguyễn Kế Nhuận mang 10 chiến thuyền đến hàng Nguyễn Ánh. Lê Văn Quân lại đánh thắng Tây Sơn ở sông Ba Lai rồi quân Nguyễn Ánh tiến chiếm Mỹ Tho.[116] Nguyễn Ánh tìm cách củng cố thế đứng ngay khi chiếm được Mỹ Tho: ông cho thành lập các dinh trấn, cho các tướng quản lý, và tổ chức lại quân đội.[117] Phạm Văn Tham tấn công Mỹ Tho, quân Nguyễn Ánh thua, chỉ còn hơn trăm người và vài chục chiến thuyền chạy về Hổ Châu. Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Tồn chiêu dụ thêm người Khmer ở xứ Trà ÔnMân Thít để làm lính, gọi là đồn Xiêm binh (sau đổi thành đồn Uy Viễn).[116]

Tháng 10 âm lịch năm 1787, Hồ Văn Lăn đánh Tây Sơn ở sông Lương Phú, Nguyễn Ánh kéo đến đóng quân ở sông Mỹ Lung. Phạm Văn Tham đến đánh Nguyễn Ánh không được, lui về đóng ở Ba Lai. Thái úy Tây Sơn là Nguyễn Văn Hưng từ Quy Nhơn mang hơn 30 chiến thuyền tới tiếp ứng cho Phạm Văn Tham. Phạm Văn Tham lại lui về đóng ở Mỹ Tho rồi về Sài Gòn.

Quân tướng theo Nguyễn Ánh ngày càng đông, Phạm Văn Tham vẫn cố chống cự để chờ viện binh, nhưng lúc đó Thái Đức Hoàng đế chỉ lo phòng bị người em Bắc Bình vương Nguyễn Huệ ở phía Bắc mà không đoái hoài đến việc cứu phía Nam.[118]

Nguyễn Ánh đóng quân tại Nước Xoáy (Hồi Oa).[65] Theo Huỳnh Minh, thời gian này ông cũng nhận được sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn của người Pháp thông qua Giám mục Bá Đa Lộc.[65] Tuy nhiên, theo Trần Trọng KimĐại Nam thực lục thì tới tháng 12 âm lịch năm 1787, Bá Đa Lộc mới cùng Hoàng tử Cảnh từ Pháp về nước, đến tháng 6 âm lịch năm 1789 mới đến Gia Định, khi đó đã thuộc hoàn toàn về tay Nguyễn Ánh.[119][120]

Quân Tây Sơn ở Gia Định ngày càng thế cùng sức kiệt và không ngừng bị quân Nguyễn Ánh bao vây chia cắt, chiêu hàng tướng sĩ. Đến tháng 4 âm lịch năm 1788, Võ Tánh đem hơn 1 vạn quân theo Nguyễn Ánh.[121] Nguyễn Ánh dời đồn đóng quân tới Bát Tiên (Vĩnh Long). Tháng 7, Nguyễn Ánh tiến quân đóng ở Ba Giồng. Tháng 8, Nguyễn Ánh từ Ba Giồng tiến đánh Gia Định, đến Nghị Giang thì bị Phạm Văn Tham dàn quân ở chợ Điều Khiển và chợ Khung Dung chống lại. Võ Tánh đánh vòng phía nam, thẳng vào Bến Nghé, Phạm Văn Tham rút qua cửa biển Cần Giờ bị Lê Văn Quân chặn đánh. Nguyễn Ánh lấy lại thành Gia Định và tổ chức lại công việc trong thành.[122] Phạm Văn Tham rút ra cửa biển Hàm Luông rồi về Ba Xắc cố thủ. Đầu năm 1789, Phạm Văn Tham từ Ba Xắc định vượt biển về Quy Nhơn, Nguyễn Ánh cho Lê Văn Quân vây đánh ở Hổ Châu, Phạm Văn Tham phải trở lại Ba Xắc rồi sau đó đầu hàng Nguyễn Ánh.[123] Tây Sơn lại mất Nam Hà,[124] Nguyễn Ánh dẹp yên đất Gia Định.[123] Đến tháng 9 năm 1789, Phạm Văn Tham bị giết.

Người Pháp giúp đỡ

Jean-Marie Dayot (trái) và em trai Félix Dayot (phải). Dayot là một trong những người Pháp tình nguyện giúp Nguyễn Ánh từ đầu theo lời kêu gọi của Bá Đa Lộc, ông sau này chỉ huy hai tàu chiến châu Âu trong hải đội của Nguyễn Ánh, tham gia và có công lớn trong hai trận thủy chiến ở Thị Nại năm 1792 và năm 1793.[125]

Ngày 27 tháng 12 năm 1787, Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh rời Pháp và trở lại Pondichéry để đợi sự chi viện từ phía chính quyền Louis, nhưng ngày 14 tháng 7 năm 1789 các lực lượng dân chủ, cộng hòa Pháp đã làm cuộc cách mạng lật đổ vương triều Bourbon, thiết lập Đệ Nhất Cộng hòa, cộng thêm việc Bá tước nhận trách nhiệm chi viện là De Conway vốn có hiềm khích với Bá Đa Lộc đã tấu sàm, nước Pháp tỏ ra không muốn nhắc đến hiệp ước cũ nữa.[119]

Chờ mãi không nhận được sự chi viện từ Bá tước De Conway,[119] Giám mục Bá Đa Lộc đã tự quyên góp tiền từ các thương gia có ý định đặt cơ sở buôn bán ở Đại Việt cùng với số tiền 15.000 franc Pháp của gia đình mình cho, đem mua súng đạntàu chiến. Tháng 6 năm 1789, Bá Đa Lộc cùng Nguyễn Phúc Cảnh về đến Gia Định.[120] Tiếp đó, các tàu buôn chở súng ống thuốc đạn cũng lục tục sang sau. Bấy giờ những người Pháp gồm Jean-Baptiste Chaigneau, Philippe Vannier, De Forcant, Olivier de Puymanel, Jean-Marie Dayot v.v.. cả thảy đến non 20 người theo Bá Đa Lộc sang gia nhập phe Nguyễn Ánh. Những người Pháp mà do Bá Đa Lộc chiêu mộ này ra sức giúp đỡ Nguyễn Ánh trong việc tiến hành du nhập kỹ nghệ, và xây dựng, sửa sang thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa, huấn luyện cơ đội pháo thủ, tổ chức bộ binh và rèn luyện binh lính theo lối châu Âu, trung gian mua tàu chiến và vũ khí...[126]

Việc Nguyễn Ánh ra sức củng cố Gia Định cộng thêm những sự giúp đỡ đó từ người Pháp đã giúp cho thế lực quân Nguyễn ngày càng mạnh, có thể đối đầu với Tây Sơn.[119] Như sử gia Trần Trọng Kim có nhận xét: "Từ đó, thế lực của Nguyễn vương mỗi ngày một mạnh, tướng tá mỗi ngày một đông, lương thực nhiều, quân sĩ giỏi, việc đánh phá Tây Sơn đã chắc lắm rồi".[127]

Các hoạt động giúp đỡ Nguyễn Ánh về mặt quân sự của Giám mục Bá Đa Lộc không phải là sự trợ giúp chính thức của chính phủ Pháp mà chỉ là hành động tự nguyện của một nhóm người theo sự vận động cá nhân của Giám mục. Thực tế này đã bị cuộc cách mạng 1789 ở Pháp biến thành một "sự nhập nhằng không rõ ràng" và những biến động liên tục của nước Pháp từ cuộc cách mạng này khiến hơn nửa thế kỷ sau nước Pháp luôn phải hoài nghi và nuôi hy vọng hão huyền về những quyền lợi tại Việt Nam mà họ nghĩ lý ra là họ phải được nhận. Chính phủ Pháp chỉ còn ghi nhớ hiệp ước 1787 về công cuộc trợ giúp của người Pháp đối với Nguyễn Ánh ở Việt Nam, ngoài ra không còn một bằng cớ xác đáng nào về vấn đề đó.[105]

Cai trị vùng Gia Định

Tổ chức chính quyền và kinh tế

Khi vừa chiếm lại Gia Định, ông bắt đầu tổ chức lại chính quyền bằng cách lựa các viên tham mưu quân đội chuyển qua các bộ lập thành một triều đình, đồng thời cho tăng cường phát triển giáo dục, mở khoa thi,[128] thu dùng các nhân sĩ người ViệtMinh Hương đã theo ông trước đó.[117] Ngoài ra, nhiều sĩ phu lục tục ra giúp Nguyễn Ánh, trong đó nổi bật nhất là nhóm học trò của nhà nho Võ Trường Toản.[50] Năm 1788, Nguyễn Ánh cho lập kho Bốn Trấn[c] làm kho chung cho các trấn Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, và Định Tường để thu thuế và làm ngân quỹ cấp lương bổng cho quan lại.[129] Đến tháng 6 năm 1789, ông đưa ra chính sách lấy sản xuất nông nghiệp làm trọng trên cơ sở số lớn đất đai phì nhiêu nhưng lại bị bỏ hoang nhiều vì cộng đồng di dân chưa định hình và chiến tranh liên miên ở vùng Gia Định.[21][129] Nguyễn Ánh cho đặt nhóm quan điền toán gồm 12 người (một số vị nổi bật là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tòng Châu, Hoàng Minh Khánh) để đi bốn dinh miền Nam là Phiên Trấn, Trấn Biên, Trấn Vĩnh, Trấn Định đốc thúc nhân dân làm việc nông nghiệp, phàm ai lười biếng sẽ bị bắt sung quân.[130] Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn đề ra chính sách là nếu người hoặc nhóm người làm ruộng đất tốt thu trên 100 thùng lúa, còn ruộng đất xấu thu trên 70 thùng lúa thì sẽ được thưởng như sau: dân thường sẽ được miễn việc xâu (những việc quan lại cần nhân công địa phương làm như đào kênh, đắp thành) một năm; phủ binh thì sẽ được miễn đi đánh nhau một năm.[129] Những người dân lậu (người không ở trong sổ bộ quản lý của địa phương) cũng có thể làm ruộng dưới sự quản lý của quan điền toán và được xem như là một người lính; nếu như họ thiếu vốn thì cũng có thể được cho vay trả sau.[129] Từ tháng 10 năm 1790, binh lính cũng được huy động vào việc sản xuất nông nghiệp khi phép Ngụ binh ư nông được thi hành.[129][131] Binh lính được khuyến khích cầy cấy để tận dụng các mảnh đất bị bỏ hoang vì chiến tranh.[132] Nhóm Trung Quân và các nhóm thủy quân được cử đến khai thác vùng Thảo Mộc Câu (sông Vàm Cỏ ngày nay) lập ra trại Đồn Điền dưới sự chỉ huy của Chánh cơ Nguyễn Bình. Trại này được nhà nước trợ cấp dụng cụ và giống cây, phần thu hoạch được sẽ sung vào kho công.[133] Các quan địa phương khác cũng phải lập đội đồn điền và nộp thuế theo hạn mức 6 hộc lúa mỗi người trong đội; bất cứ ai tuyển được 10 người trở lên sẽ được làm quan quản trại và trừ tên trong sổ làng (tức là khỏi đi lính).[133] Số lúa gạo thu được từ các đồn điền này được giữ trong một kho gọi là kho Tích Trữ (về sau đổi thành kho Đồn Điền hay Đồn Điền khố theo âm Hán-Việt).[134][135]

Để có thêm lúa gạo phục vụ chiến tranh, Nguyễn Ánh cho đặt thêm thuế phụ ngoài thuế ruộng (thuế điền), một năm hai kỳ thu là thuế thị túc và thuế thị nạp. Mức thu như sau:[133]

  • Năm 1792, từ một tới năm phương lúa trên một người.
  • Năm 1799, vùng Bình Định và Phú Yên nộp 17 thăng gạo cho mỗi mẫu ruộng.
  • Năm 1800, mỗi người ở Gia Định nộp hai phương gạo (riêng người già và tàn tật thì chỉ nộp một nửa). Ruộng mỗi mẫu sẽ nộp 1 phương gạo.

Tới năm 1791, Nguyễn Ánh cho đặt một lệ về việc khẩn hoang rằng ba năm đầu từ ngày khẩn hoang sẽ miễn thuế. Ai muốn khẩn hoang phải nộp đơn trước 20 ngày, sau hạn này ruộng sẽ giao cho binh lính, dân chúng không được quyền tranh chấp nữa.[136]

Các chính sách cải cách nông nghiệp này đã khiến việc sản xuất lúa gạo ở vùng Gia Định tăng cao và giúp rất lớn cho việc chiến tranh với Tây Sơn của Nguyễn Ánh. Thời gian này, ông có thể nuôi được một đội quân lên đến 30.000 lính và 1.200 thuyền chiến (ước tính năm 1800),[21] cũng như đáp ứng nhu cầu quân nhu các lần ông đi đánh nhau với Tây Sơn ở Diên Khánh (năm 17951796) và Quy Nhơn (năm 1799) một cách "không hề thiếu thốn".[136] Một chứng minh khác cho việc dư lúa gạo này là việc năm 1802 có nạn đói lớn ở Gia Định, Nguyễn Ánh lấy kho gạo quân ra phát cho dân và cho giảm thuế ruộng ở Gia Định.[136] Cùng trong thời gian, khi nghe tin quân Thanh giúp Lê Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh từng sai Phạm Văn Trọng và Lâm Đồ[108] mang thư và chở 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết; cũng đồng thời bên Xiêm La có hạn hán, Nguyễn Ánh cho xuất 8.800 vuông gạo để giúp.[137]

Ngoài gạo, chính quyền cũng chú trọng tới các mảng nông nghiệp khác, ví dụ như trầu cau dùng cho các dịp phong tục lễ tiết.[138] Đặc biệt, Nguyễn Ánh rất quan tâm đến ngành trồng mía sản xuất đường vì đây là thứ hàng hóa quan trọng dùng để trao đổi buôn bán binh khí: ông đặt ra hạn định mỗi năm dân phải nộp 6000 kg đường, mặt khác cấp vốn cho dân sản xuất để rồi đến mùa cho thu mua hàng hóa với giá chợ. Chính sách này khiến cho sản lượng đường tăng lên trông thấy trong khi giá cả lại hạ xuống.[138]

Từ khi quay trở lại Gia Định, Nguyễn Ánh cũng bắt đầu cho đưa các nhóm thợ thủ công ông đưa từ miền Trung Đại Việt vào. Năm 1791, Nguyễn Ánh quy hoạch lại nghề thủ công ở vùng Gia Định: ông cho quy hoạch ra 64 ty thủ công gồm đủ các loại ngành nghề được phân bố khắp các dinh. Khu vực Sài Gòn có sở Nhà Đồ gồm 22 ty trong đó có các ty thợ mộc, thợ sơn, thợ cưa (các ty này là cơ sở quan trọng cho Nguyễn Ánh phát triển thủy quân, ông đề ra chính sách đãi ngộ thợ trong các ty này như là lính chính thức, họ được ăn lương và miễn sưu thuế hằng năm; chỉ phải có lễ mừng cho các quan sở tại).[139] Bên cạnh các ty, còn có tổ chức các đội chuyên trách phục vụ cho các ty và tổ chức gọi là "nậu" gồm dân thợ cùng nghề ở các vùng dân cư hẻo lánh, chưa nên thôn xóm.[140] Đối với các "nậu", chính quyền chỉ kiểm tra và thu thuế và thành viên của các nậu chỉ phải trả thuế thân và nộp sản phẩm thay cho sưu dịch.[140]

Việc mua bán với nước ngoài cũng được khuyến khích và kiểm soát chặt chẽ (nhất là đối với các mặt hàng có liên quan tới quân sự như kẽm, sắt, đồ đồng, diêm, lưu huỳnh, sắt, gang, chì đen[136][141]) để có thêm nguồn tài chính và binh khí.[142] Tất cả đều phải do nhà nước mua bán và quản lý, ai mua bán lén hoặc quan lại nào không kiểm soát được đều bị tội phạt nặng.[141] Từ trước khi Nguyễn Phúc Cảnh về, Nguyễn Ánh đã đưa ra chính sách mời gọi thuyền nhà Thanh vào buôn bán; hễ thuyền nào có chở các thứ đã kể trên thì quan lại ở Gia Định sẽ mua rồi thanh toán lại bằng gạo tùy theo số hàng ít hay nhiều.[141] Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn thường xuyên cho thuộc cấp đi qua các khu vực do thực dân phương Tây kiểm soát gần Việt Nam để mua binh khí, trong đó quân Nguyễn thường xuyên lui tới nhất là các khu vực lãnh thổ phía Tây như Batavia, Malacca, Transquebar.[141]

Mặt khác, Nguyễn Ánh còn gặp khó khăn với cư dân bản địa của vùng Gia Định là người Khmer vì họ thường xuyên nổi dậy, ông phải cho hai tướng người Khmer của mình (một người là Nguyễn Văn Tồn) về coi các vùng có số dân Khmer đông để thiết lập các khu vực tự trị, đề ra các chính sách và luật lệ hạn chế xung khắc với người Việt,[143] việc tương tự cũng diễn ra ở khu vực Hà Tiên.[117] Nguyễn Ánh còn cho xây dựng các lũy đất phòng ngừa các nhóm người Khmer nổi dậy như: lũy Trấn Di ở Ba Trắc và lũy Thanh Sơn ở Ba Lai.[144] Nguyễn Ánh vẫn cho các quan chức người Khmer quản lý các khu vực có đông người Khmer sinh sống để trấn an họ, cụ thể như Già Tri Giáp coi phủ Ba Xắc, Ốc Nha Trích coi phủ Trà Vinh.[145] Năm 1791, Nguyễn Ánh lệnh cho người Hoa ở Long Xuyên ai làm ruộng không có đồ dùng thì nhà nước cho vay, ai không làm ruộng thì phải đi phu dịch. Người Khmer và người Hoa ở phủ Ba Xắc và Trà Vinh được phép khai hoang đất nhưng phải nộp thuế. Ở Ba Xắc, cho Ốc Nha Lá làm quan phủ cai quản người Khmer, Lâm Ngũ Quan cai quản người Hoa. Ở Trà Vinh, Lư Việt Quan cai quản người Hoa. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng cấm dân Việt tranh giành đất của người Khmer ở Ba Xắc và Trà Vinh. Ngoài ra thì chính sách đối xử cũng giống người Việt: cũng phải nộp thuế, đi lính.[143][146]

Bên cạnh đó, ông cũng cho kiểm tra dân số để tiện việc bắt lính và thu thuế, đưa ra các chính sách chống trộm cướp và gìn giữ an ninh;[147] các hình thức tệ nạn như phù thủy, đổ bác, đồng bóng, hát xướng đều bị cấm.[148] Đồng thời ông cũng đưa ra chính sách hạn chế nấu rượu để tiết kiệm gạo và cho thuộc quan tổ chức các hoạt động mua vui cho dân chúng.[147]

Chính sách quân sự và ngoại giao

Sơ đồ Thành Bát Quái Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký vẽ, Nguyễn Đình Đầu lược dịch và chú giải.

Quân Tây Sơn vào thời gian này thường xuyên đột kích Gia Định để lấy lương thực vào mùa gặt. Vì vậy, hành động đầu tiên của Nguyễn Ánh sau khi chiếm được thành Gia Định là nhờ các sĩ quan Pháp trong quân đội mình xây dựng một tòa thành kiểu châu Âu trên đất Gia Định.

Tòa thành này bắt đầu được xây dựng vào năm 1789,[149] do hai sĩ quan người PhápTheodore Lebrunde Puymanel thiết kế với tổng nhân công xây dựng ước chừng 30.000 người.[150] Việc xây dựng đã buộc quan lại Gia Định phải áp một mức thuế cao và các nhân công lao động bị ép phải làm việc tới mức cực hạn, khiến cho một cuộc nổi loạn đã nổ ra. Đến năm 1790,[149] tòa thành hoàn tất với chu vi khoảng 4176 mét, xây theo kiểu Vauban,[150] có ba mặt được sông nước che chở[151] và có tên là Bát Quái. Sau đó, Nguyễn Ánh cho đặt Phiên An trấn thành Gia Định kinh (kinh thành hay thủ phủ Gia Định).[149] Tòa thành Bát Quái này đã khiến cho Tây Sơn không bao giờ tìm cách chiếm lại Gia Định nữa, đem đến cho Nguyễn Ánh một lợi thế nhất định trước kẻ thù chính của ông.[152] Nguyễn Ánh tỏ ra rất thích thú về mảng kỹ thuật xây thành quách của phương Tây, ông yêu cầu các sĩ quan Pháp đi về châu Âu để tìm và mang về cho ông các sách và nghiên cứu về chủ đề này.[153][154]

Nhằm tăng cường quân đội, kinh tế và tăng sức phòng thủ, từ tháng 10 năm 1788, Nguyễn Ánh cho người bắt tráng đinh thành lập các phủ binh.[142] Nhiều người Pháp được Nguyễn Ánh đưa vào huấn luyện quân đội; ví dụ như Jean-Marie Dayot được phái huấn luyện chiến thuật cho thủy binh. Và có khoảng tổng cộng 4 sĩ quan 80 binh sĩ người Pháp tham gia đánh trận, chủ yếu ở vai trò trợ chiến dưới sự chỉ huy của các tướng lĩnh người Việt.[155] Đối với vũ khí mà các thuyền buôn của người Châu Âu mang đến, Nguyễn Ánh giao cho các quan chỉ huy quân sự ở Trấn Biên mua lại bằng đường cát.[135]

Cần Giờ, Đồng Tranh, Vũng Tàu, Nguyễn Ánh cho dựng các phong hỏa đài (các điểm cao đốt lửa thông báo khi có giặc để phòng bị). Các Thành Cá Trê, Thành Vàm Cỏ được xây lại, và các tướng thân cận được điều ra đóng quân và tuần tiễu ở các nơi.[142] Kỷ luật quân đội được Nguyễn Ánh siết chặt và ông thực hiện chính sách luân chuyển "binh luôn theo tướng" để đảm bảo khả năng chỉ huy luôn ở mức tốt nhất.[156] Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn cho lựa ra các quân tinh nhuệ, hăng hái đánh kẻ địch của ông để luyện tập kỹ càng và trả lương hậu nhằm kiến tạo ra một đội quân riêng gọi là "quân chiến tâm", là nhóm tinh binh khi vào trận luôn phải xông lên tuyến đầu nếu lui chạy thì sẽ bị phạt theo quân pháp còn nếu bỏ trốn thì gia đình phải chịu tội liên đới.[133][157] Bên cạnh đó, Nguyễn Ánh còn cho lập "Chế tạo cục" là một nhà máy diêm tiêu, đúc súng hỏa mai, đại bác đủ các kích cỡ phục vụ quân sự.[144] Đến khoảng sau trận Thị Nại năm 1782, ông tìm cách củng cố tượng binh qua việc sai người đến Đồng Nai, Bà Rịa bắt voi, tăng cường trao đổi voi với các nước Chân LạpXiêm; lấy từ dân cống nạp và thu từ các trận đánh với Tây Sơn.[158] Mặt khác, ông rất quan tâm đến việc phong thưởng và đãi ngộ binh sĩ tử trận và có công để cổ vũ tinh thần quân lính:[131] ông cho lập sở Hoạn dưỡng để chăm sóc thương binh, và xây các đền Hiển Trung, Sinh Trung để thờ cúng binh sĩ tử trận.[159]

Nhận thấy địa thế Gia Định là sông ngòi, biển nhiều, đồng thời thiên nhiên cực kỳ ưu đãi các sản vật và tài nguyên cần thiết như dầu cây rái,[160] trám, sơn và đặc biệt là gỗ; Nguyễn Ánh ra sức phát triển ngành đóng thuyền.[156] Từ trước khi chính sách chính thức về "ty" và "nậu" ngành thủ công nghiệp, Nguyễn Ánh đã cho thành lập các nậu dầu rái, trám, sơn nhằm phục vụ cho ngành đóng thuyền: từ năm 1790 lệnh cho dinh Trấn Biên và Phiên Trấn mộ dân lập nậu dầu rái với định mức thuế 8 vò dầu, cho miễn lao dịch chỉ phải nộp thêm thuế thân; từ 1791 lệnh lập các nậu dầu rái ở đạo Long Xuyên với lệ thuế 5 vò dầu và 100 cây nến, miễn hẳn thuế thân.[161] Đến năm 1799, ông thống nhất lệ thuế tất cả các vùng thành 6 vò dầu rái, 50 cây đèn cầy và nửa cây đèn lớn. Cũng cùng cách tổ chức cho các nậu dầu rái, Nguyễn Ánh từ năm 1790 cũng thành lập các nậu dầu trám với lệ thuế 800 cân dầu trám, 1 cây đèn lớn và 40 cây đèn nhỏ, cho miễn lao dịch chỉ phải nộp thuế thân. Các nậu buồm lá ở Trấn Biên và Phiên Trấn hằng năm phải nộp 80 bó buồm.[161] Đối với gỗ, từ sau 1789, Nguyễn Ánh ra lệ thuế cho các quan coi đạo Trấn Biên, Trấn ĐịnhVĩnh Trấn phải dự trên số phu cục tượng và các đội nậu biệt nạp phải nộp như sau: 40 người phải nộp đủ gỗ đóng một chiếc sai thuyền; và kết quả của chính sách là đạo Long Xuyên nộp 10 chiếc, Kiên Giang 3 chiếc, và Trấn Giang là 5 chiếc. Để tăng năng suất lấy gỗ, Nguyễn Ánh cấp cho đội lấy gỗ 300 quan tiền mua 300 con trâu chuyên dùng kéo gỗ từ rừng Quang Hóa (Rừng Quang Hóa thuộc Tây Ninh ngày nay).[161][162]

Có nguyên liệu rồi, Nguyễn Ánh ra sức đốc thúc đóng tàu: năm 1789 ông đóng được 40 chiếc thuyền và 100 chiếc thuyền biển; hai năm sau đóng thêm được 100 chiếc với gỗ ván lấy từ rừng Quang Hóa và rừng Chân Lạp. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh cho mua hẳn một chiến hạm cũ của Châu Âu rồi sai người gỡ ra để sao chép lại.[162] Nguyễn Ánh đích thân giám sát việc đóng những chiếc thuyền theo kiểu này.[162] Nhờ tích cực vậy nên ngay cùng năm, quân Nguyễn đóng được những chiến hạm nổi tiếng là Long Ngư, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi, Hồng Nhi, Loan Nhi, Ưng Nhi (trong này quan trọng nhất là ba chiếc Long Phi được trang bị đến 32 khẩu đại bác, Phụng Phi và Bằng Phi có 26 khẩu) với sức chứa trên 300 người mỗi thuyền.[162] Những năm tiếp theo, Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục kiên nhẫn cho đóng thêm thuyền như năm 1796 cho đóng thêm 15 chiến hạm hiệu là "Gia" và xếp theo tam tài cùng thập nhị chi: Thiên, Địa, Nhân, Tý, Sửu, Dần, Mão... cho đến Tuất, Hợi là đủ 15 chiếc.[162] Đến năm 1800, cho đóng thêm 15 chiếc thuyền biển nữa và 1801 thì có thêm 200 hạm có tên là Anh, Vũ, Thước, Nga, Quyên, Phu, Lệ, Diên, Chiêu, Ly.[162] Nhờ tích cực vậy, có khi mỗi 2 năm mà Nguyễn Ánh đóng thêm gần được 300 pháo hạm và 10 năm thì tổng số thuyền của Nguyễn Ánh lên được gần 1.200 chiếc.[162]

Các chính sách phát triển kinh tế-quân sự này đã giúp rất lớn cho quân đội của Nguyễn Ánh, ông đã phát triển lên được một đội quân có thể cạnh tranh nổi với Tây Sơn: theo John Barrow, một quý tộc người Anh du lịch nhiều nơi và là kiểm toán viên tòa Đại sứ Anh Quốc tại Trung Quốc năm 1793, thì quân số của Gia Định đầu thế kỷ XIX lên tới 139.800 người.[163] Thủy binh của Nguyễn Ánh cũng trở nên hùng mạnh và có ưu thế hơn hẳn so với thủy binh của Tây Sơn,[164] chính điều này đã giúp Nguyễn Ánh có khả năng vượt biển đánh thẳng vào cảng Quy Nhơn của Tây Sơn các năm 1790, 1797, 1798; và Nha Trang vào năm 1793, với trận quyết định tại Thị Nại năm 1801.[162] Cho đến khi kết thúc chiến tranh, Nguyễn Ánh có một số thuyền hùng hậu lên tới 100 chiến hạm, 800 pháo hạm và 500 bán pháo hạm.[162]

Tới lúc này, đối với nước Pháp, Nguyễn Ánh bắt đầu tìm đối sách về mặt ngoại giao: khoảng năm 1790, ông viết quốc thư với đại ý "cảm ơn nước Pháp", nhưng ông không còn cần họ giúp theo hiệp ước Versailles năm 1787 đã ký trước đây nữa.[165] Đồng thời với việc trên là công cuộc giao thiệp với ba nước lớn Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng: ông cho quân chiếm đóng Chân Lạp, giữ quan hệ hòa hiếu với Xiêm La để yên ổn với Vạn Tượng (khi này trong tầm khống chế của Xiêm La), ngoài ra còn có quan hệ với một ít quốc gia nhỏ khác.[166] Kết quả là cả ba quốc gia lớn đều có sự giúp đỡ ít nhiều cho Nguyễn Ánh trong cuộc chiến của mình.[167]

Năm 1789, khi nghe tin Lê Chiêu Thống mời quân Thanh sang đánh Tây Sơn, Nguyễn Ánh sai Phạm Văn Trọng và Lâm Đồ[108] mang thư khích lệ và chở 50 vạn cân gạo ra giúp quân Thanh, nhưng thuyền đi giữa đường bị đắm hết.[137]

Thuế khóa và lao dịch

Để có chi phí cho các hoạt động quân sự chống lại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh áp mức thuế và lao dịch rất nặng lên người dân. Theo ý kiến của một nhà nghiên cứu phương Tây hiện đại là Georges Dutton[168], người dân vùng Gia Định dưới sự cai trị của Nguyễn Ánh trong thời kỳ này phải chịu mức thuế khóa và lao dịch rất nặng, khiến họ trở nên chán ghét Nguyễn Ánh[169]

"...Những người dân đang sống dưới quyền kiểm soát chính trị của chính thế lực nhà Nguyễn ở sâu trong miền nam... mong đợi được giải thoát khỏi họ. Đến cả Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc), ủng hộ viên người Âu nhiệt tình nhất của Nguyễn Ánh, vào năm 1791, cũng đề cập đến điều này, khi ông viết về tình cảnh ngày càng không chịu đựng nổi của những người dân Việt sống trong vùng nhà Nguyễn kiểm soát.""... sau đó (khi họ Nguyễn lại kiểm soát Nam Bộ), hoàn cảnh sống của người dân dưới chính thể nhà Nguyễn vẫn chẳng hề được cải thiện; điều này được mô tả trong thư của một nhà truyền giáo người Pháp khác, rằng "hai năm vừa qua, mọi người đều phải đi làm việc công ích, và [người ta] không bận tâm với bất kì điều gì khác ngoài việc tìm cách để sống sót, đau khổ đã trở nên đến cực điểm"."

Trong thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791, giám mục Bá Đa Lộc viết:

“… Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế và làm dịch vụ nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng (Tây Sơn) quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại được..." [170]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gia_Long http://www.britannica.com/EBchecked/topic/232868 http://books.google.com/books?id=0LgSI9UQNpwC http://books.google.com/books?id=0LgSI9UQNpwC&pg=P... http://books.google.com/books?id=0Rh2BgAAQBAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=3Z3a0NU4RHMC&pg=P... http://books.google.com/books?id=6VROpoZsMzYC&pg=P... http://books.google.com/books?id=9GRD_GV0kuMC http://books.google.com/books?id=EYInAAAAQBAJ&pg=P... http://books.google.com/books?id=EvqKqpSCpaEC&pg=P... http://books.google.com/books?id=IrNuAAAAMAAJ